Phương pháp ăn dặm tự chỉ huy ( Baby Lead Weaning – BLW) không chỉ là cách tuyệt vời để bé tập làm quen với những thực phẩm tươi và giàu dưỡng chất mà các mẹ không phải tốn thời gian để xay nhuyễn và đút cho bé ăn. Do đó, rất nhiều mẹ muốn áp dụng cho con của mình nhưng lại không biết sẽ chuẩn bị thực đơn ăn dặm cho trẻ như thế nào là khoa học nhất.
Sau khi tìm hiểu kỹ về lý thuyết cũng như kinh nghiệm của các mẹ đi trước, Nguyễn Thùy Dương ( sống tại Toronto, Canada) bắt đầu áp dụng phương pháp ăn dặm tự chỉ huy BLW từ khi bé Natalie Nguyen( tên gọi thân mật là Na – 14 tháng tuổi) mới 6 tháng tuổi. Thực đơn của bé Na không chỉ được nhiều lượt chia sẻ bởi hình ảnh đẹp, đồ ăn hấp dẫn và cách hướng dẫn chi tiết đối với từng món mà còn giúp các mẹ hình dung về cấu trúc một bữa ăn dặm tự chỉ huy, độ thô của thức ăn và cách chế biến đồ ăn hợp lý cho bé trong những ngày đầu bé làm quen với kiểu ăn dặm này.
Chị chia sẻ, vào những ngày đầu, chị chế biến cho bé Na những món ăn thật mềm để bé có thể tự ăn và nuốt được vì lúc này bé Na chưa có chiếc răng nào. Để thử độ mềm của thức ăn, sau khi luộc hay hấp rau củ quả thì các mẹ có thể dùng tay bóp mềm hoặc cho vào miệng nghiền bằng lưỡi nát là đủ độ mềm để bé thưởng thức. Nhưng các mẹ cũng đừng vì sợ con nghẹn mà luộc hoặc hấp quá nát nhé vì như vậy bé không thể tự được thức ăn để đưa vào miệng mà chỉ bóp nát hết.
Thùy Dương cho biết, ăn dặm phương pháp tự chỉ huy không cố định theo thực đơn nào cả nên các mẹ có thể linh hoạt trong các bữa ăn của bé. Nhìn thì có vẻ cầu kỳ nhưng mỗi món ăn đều không mất thời gian chuẩn bị, có thể bớt từ phần ăn chung của cả gia đình, “tiện gì ăn nấy, tủ lạnh còn gì ăn nấy, tâm trạng thích cho con ăn gì thì ăn nấy…” – đây cũng là một ưu điểm của ăn dặm BLW, giúp mẹ không phải “đau đầu” suy nghĩ hôm nay cho bé ăn gì.
Mẹ Na khuyên các mẹ khi mới cho trẻ ăn dặm thì nên chọn cho bé những món dễ cầm nắm như rau, củ luộc/ hấp, trứng tráng, cá chiên miếng,..vì các kỹ năng cầm nắm của bé còn khá vụng về. Để thử phản ứng của con có yêu thích phương pháp ăn dặm này không, mẹ Na cho bé làm quen với một số loại rau củ quả như quả bơ, khoai tây, táo bỏ lò…, dần dần khi bé đã ăn dặm quen, mẹ sẽ thay đổi đa dạng thực đơn các món cho bé và cho Na làm quen với các món mới nhiều hơn. Khi bé có thể cầm nắm được các loại thức ăn khó hơn, mẹ sẽ chế biến các món cầu kì hơn như thịt viên, thịt cuốn rau củ…
Ngoài ra, theo Thùy Dương, “thoải mái tư tưởng và tôn trọng nhu cầu của con” là bí quyết để không biến bữa ăn thành cuộc chiến. Hiểu đúng chữ ăn dặm chỉ là ăn phụ và nhất là với bé dưới một tuổi, sữa vẫn là chính. Rất nhiều mẹ lo lắng và stress khi con không ăn được gì, ép con ăn đâm ra cả con, cả mẹ đều áp lực. Bữa ăn vì thế chưa bao giờ là một niềm vui với cả hai. Mình vẫn quan niệm ăn là quyền lợi chứ không phải nghĩa vụ, vì thế mình tôn trọng nhu cầu của con và tạo niềm vui cho con khi con ăn uống.
Dưới đây là một số món ăn mà Thùy Dương đã chuẩn bị cho bé Natalie Nguyễn:
Khoai tây cuộn thịt bò rắc phô mai (chọn loại bò thăn, thát lát thật mỏng và chần ra trước khi chế biến cho mềm), bí đỏ và su su hấp.
Theo trí thức trẻ